Tại sao nữ giới hay bị loãng xương hơn nam giới ?
Nữ giới có khối lượng xương nhỏ hơn, khung xương nhỏ hơn nam giới. Vì vậy, khi mất cùng một lượng xương, nữ giới sẽ nhanh chóng bị loãng xương hơn nam.
Nữ giới có ít cơ hơn nam, mà cơ này lại đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương do chúng tạo ra áp lực liên tục lên hệ xương, giúp kích thích quá trình tạo xương. Ngoài ra, hoạt động cơ yếu của nữ cũng làm gia tăng nguy cơ té ngã.
Nữ giới ít hoạt động thể lực, ít tập các môn vận động thể lực hơn nam giới, thậm chí không chịu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nguồn cung cấp vitamin D quan trọng của tự nhiên. Chính các vận động chịu lực này với sự phối hợp của canxi và vitamin D sẽ làm cho xương chắc và khỏe hơn.
Nữ giới ăn ít hơn nam, đặc biệt xu hướng hiện nay chị em sợ mập nên ăn kiêng quá mức, không chịu sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa nên không đảm bảo được nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể.
Nữ giới phải đối mặt với vấn đề mãn kinh. Sau mãn kinh với sự suy giảm đột ngột nồng độ hormone sinh dục (estrogen, đây là hormone cần thiết cho quá trình tạo xương và duy trì khối lượng xương). Vì vậy, sau giai đoạn mãn kinh thì hiện tượng mất xương ở phụ nữ xảy ra nhanh hơn và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh gia tăng. Ở nam giới, việc giảm hormone sinh dục nam xảy ra một cách từ từ nên việc mất xương cũng xảy ra chậm hơn nữ.
Theo Ths.Bs Lưu Văn Ái
Khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV Chợ Rẫy.
Nguồn : NXB Y Học
Chưa có bình luận